Trong quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam. Nhờ đường lối đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG
Nếu “tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác thì “tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác. Tự lực, tự cường, tự chủ là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Là người tìm đường và dẫn đường cho dân tộc, Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường và nổi bật trong tư tưởng đặc sắc đó của Người là một số nội dung chính sau đây.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh coi tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập tự do và là điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ, vị thế ngoại giao.
Thực tế đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa đã giúp Hồ Chí Minh hiểu rằng: Công cuộc giải phóng phải là công cuộc “tự giải phóng” chứ không thể trông chờ vào thiện chí hay sự bố thí, rộng lượng của những kẻ cướp nước. Vì thế, lên án chủ nghĩa thực dân bao nhiêu thì Người cũng quyết liệt bấy nhiêu trong việc kêu gọi nhân dân các dân tộc bị áp bức tiến hành cuộc đấu tranh tự giải phóng: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”(1).
Trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm hoạt động quốc tế, Người luôn nhấn mạnh: Việc giải phóng của ta phải do ta tự làm lấy chứ không thể trông mong vào lực lượng bên ngoài. Tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi vào tháng 8/năm 1945, Người đã kêu gọi đồng bào “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Sức mạnh như “triều dâng, thác đổ” của tinh thần dân tự giải phóng đã mang lại nền độc lập thiêng liêng cho Tổ quốc.
Từ kinh nghiệm và bài học thực tế của Việt Nam và thế giới, Người đã rút ra kết luận: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(2). Sau khi đã giành được chính quyền, với vị thế của một nguyên thủ Quốc gia, Hồ Chí Minh tìm mọi cách để duy trì sự độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam. Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(3), kể cả sự can thiệp của các đồng minh. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ kháng chiến vì nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, Người nói rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”(4).
Là một nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, Hồ Chí Minh luôn coi đoàn kết quốc tế là chiến lược trọng yếu của Đảng nhưng Người hiểu rằng, muốn tăng cường đoàn kết quốc tế thì trước hết phải tăng cường nội lực dân tộc, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh. Người nhấn mạnh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”(5). Ngược lại, nếu không có thực lực thì không thể nói gì đến ngoại giao, càng không thể mong muốn sự bình đẳng, độc lập, tự chủ mà “chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”(6). Tóm lại, giữa tự chủ, tự lực, tự cường và sức mạnh, vị thế dân tộc có mối quan hệ tỉ lệ thuận với nhau.
Thứ hai, Hồ Chí Minh khẳng định phát huy tinh thần tự lực, tự cường là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong mọi chặng đường lịch sử.
Là biểu hiện của ý chí và tinh thần độc lập, tự chủ, ngay từ khi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã hiểu rằng: Nếu biến lý luận Mác - Lênin thành “kinh thánh” và “công thức sáo mòn” thì tức là đã gạt bỏ nó ra khỏi cuộc sống. Vì thế, Người đã rất sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Người đã đặt câu hỏi: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(7). Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh không chỉ làm cho học thuyết Mác - Lênin được “Việt hóa”, thích ứng với điều kiện Việt Nam mà còn giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi tâm lý thụ động để phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc để đi đến những thắng lợi vĩ đại.
Với sự trải nghiệm của một người đã từng đi “năm châu, bốn biển”, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã cho rằng nền văn hóa mới của Việt Nam phải góp phần tẩy bỏ tâm lý nô lệ để xây dựng một tinh thần mới - “tinh thần độc lập tự cường”(8). Thực hiện nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Hồ Chí Minh, trong mọi chặng đường cách mạng, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đều nỗ lực phát huy tinh thần “Tự lực cánh sinh”. Nếu Cách mạng Tháng Tám diễn ra theo tinh thần “mang sức ta mà giải phóng cho ta” thì phương châm cuộc kháng chiến chống Pháp là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Theo Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ cần tự lực, tự cường trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập mà còn phải tự lực tự cường cả trong việc xây dựng chế độ mới, đưa miền Bắc Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người yêu cầu: “Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”(9). Người căn dặn, trong mọi hoàn cảnh, luôn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”(10) bởi sự chủ động sẽ mang đến cơ hội thành công và mọi sự phụ thuộc, lệ thuộc đều dẫn đến việc đánh mất quyền độc lập dân tộc.
Thứ ba, Hồ Chí Minh cho rằng tinh thần tự lực tự cường của dân tộc phải được xây đắp bằng ý chí tự lực tự cường, tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân.
Tinh thần dân tộc là sự kết tinh ý chí, sức mạnh của toàn dân nên việc phát huy tinh lần tự lực, tự cường không chỉ là trách nhiệm của lực lượng lãnh đạo mà là của muôn dân. Tính tự lực, tự cường không chỉ giúp mỗi con người thành công mà còn giúp họ trở thành những người có lòng tự trọng, hiểu biết và có một cuộc đời hữu ích. Do đó, mỗi người dân phải tự tìm việc làm, tự lên kế hoạch, tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc; mỗi khi gặp khó khăn thì tinh thần tự lực, tự cường trong họ càng phải được trỗi dậy và phát huy cao độ. Hồ Chí Minh còn cho rằng tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang “tính người” và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người nữa. Vì thế, Người đã viết: “Thế thượng thiên tân hòa vạn khổ/ Mạc như thất khước tự do quyền!/ Nhất ngôn, nhất động bất tự chủ/ Như ngưu, như mã, nhậm nhân khiên”(11) (Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do/ Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò). Được tự chủ, làm chủ cuộc đời là hạnh phúc lớn nhất nên khi chế độ dân chủ ra đời, Hồ Chí Minh đã căn dặn nhân dân: Dân chủ không có nghĩa là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm mà phải có tinh thần chủ động khắc phục khó khăn.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, miền Nam chưa được giải phóng thì tinh thần tự lực, tự cường càng cần phải phát huy. Hồ Chí Minh căn dặn: “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”(12). Hồ Chí Minh yêu cầu tinh thần này phải được lan tỏa và trở thành ý thức tự giác trong mọi tầng lớp nhân dân. Bộ đội phải coi tăng gia sản xuất cũng là một bộ phận trong chính sách tự lực cánh sinh; các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ mặc dù nhận được sự giúp đỡ của nhân dân, sự ưu tiên của chính phủ, cũng “cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”(13). Tự lực, tự cường là phẩm chất cao quý mà người có đạo đức, có lòng tự trọng phải có nên trong nhà trường, ngoài việc giáo dục cho học trò lòng yêu nước thương nòi thì “phải dạy cho họ có chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(14).
Trong công cuộc giải phóng phụ nữ thì “chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”(15) cho quyền lợi của chính mình… Sức mạnh của dân tộc được quy tụ bởi sức mạnh của mỗi con người nên phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi cá nhân trong xã hội là quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh
Thứ tư, Hồ Chí Minh khẳng định việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường hoàn toàn không loại trừ việc tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới trên nguyên tắc lấy nội lực làm nhân tố quyết định.
Với tư duy biện chứng, Hồ Chí Minh thấy rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực và Người luôn khẳng định: Tăng cường sức mạnh nội lực không có nghĩa là đóng kín, khước từ sự giúp đỡ ở bên ngoài mà là phải tìm mọi cách gia tăng sự ủng hộ của thế giới để nhân lên sức mạnh của nội lực. Ngay trong cuộc sống của mỗi con người, có nhiều việc nếu được người khác giúp đỡ thì sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy, nội lực luôn giữ vai trò quyết định, ngoại lực chỉ gia tăng sức mạnh cho nội lực mà thôi. Hơn nữa, sự giúp đỡ bên ngoài phải thông qua lực lượng bên trong mới phát huy được tác dụng. Vì thế, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(16). Khi Việt Nam đánh Mỹ và nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì nhắc nhở cán bộ và nhân dân: “Các nước bạn ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ ta một cách vô tư, khẳng khái, để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh”(17) chứ không phải để ta sinh ra tật ỷ lại, trông chờ vào người khác. Trên thực tế, sức hậu thuận của thế giới thường tỷ lệ thuận với những thắng lợi của nhân dân ta và điều đó đã nói lên vai trò quyết định của nội lực.
Nhìn chung, tự lực, tự cường là truyền thống của văn hóa Việt Nam và nó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy lên một tầm cao mới.
PHÁT HUY NỘI LỰC ĐẤT NƯỚC
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực to lớn chưa từng có. Những thành tựu đáng tự hào đó là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường. Thấu hiểu nguyên nhân đó, Văn kiện Đại hội XIII đã coi phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước hiện nay. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ rằng: Nội lực không chỉ là tiền của đang nằm trong “túi dân” mà là toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, ý chí, quyết tâm của mỗi con người Việt Nam. Để phát huy nội lực, trước hết, chúng ta phải phát huy sức mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm để “xóa đói, giảm nghèo”, xóa bỏ hết bần hàn, lạc hậu.
Đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam, cần được tiếp tục phát huy. Nếu xưa kia Hồ Chí Minh luôn khẳng định “đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(18) thì từ Đại hội Đảng IX đến nay, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là “thành tố” của chủ đề Đại hội với hàm nghĩa đây là một động lực to lớn để phát triển đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII có một điểm mới là ngay trong chủ đề đại hội đã nhấn mạnh chủ trương “sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Nói đến sức mạnh thời đại là nói đến sức mạnh của hợp tác quốc tế và khoa học, công nghệ. Ngày nay, dù hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia nhưng nội lực vẫn là quyết định và chỉ khi thực sự có nội lực, ta mới có thể đưa ra quan điểm độc lập của mình về các vấn đề quốc tế và tiến hành “hòa nhập” mà không “hòa tan”.
Trên thực tế, mọi động lực phải thông qua động lực con người mới trở thành sức mạnh; cho nên, Hồ Chí Minh từng khẳng định: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Từ quan điểm của Hồ Chí Minh, rằng “vô luận việc gì, đều do con người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”(19), Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đã khẳng định “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”(20) là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ này.
Trong thế giới hội nhập và cạnh tranh hiện nay, cạnh tranh bằng tâm trí, bằng “chất xám” là hình thức cạnh tranh chủ yếu. Hơn nữa, dân trí có phát triển thì kinh tế mới được mở mang để trở thành kinh tế tri thức; dân trí có lên cao thì nhân quyền mới được tôn trọng. Tuy nhiên, dân trí không phải tự nhiên mà có mà đó là sản phẩm của giáo dục; cho nên, phát triển giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường sức mạnh của nội lực. Phải giáo dục con người có phong cách tư duy độc lập, tự chủ, có tinh thần tự học và lấy tự học “làm cốt”. Do đó, việc đổi mới giáo dục ở nước ta phải hướng tới nền giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Cũng phải phát huy dân chủ để mỗi người dám nói lên sự thật, chính kiến thật và hào hứng đưa ra sáng kiến của mình để xây dựng đất nước.
Trong mỗi cơ quan, đơn vị, vai trò của người đứng đầu là không thể phủ nhận. Lúc này, mỗi người lãnh đạo phải ý thức rõ về vai trò thủ lĩnh của mình trong việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng phát triển để làm gương cho cán bộ dưới quyền và nhân dân. Người lãnh đạo có thể “nói hay” để “lập ngôn” nhưng trước hết phải “làm hay” để “lập nghiệp” bởi giá trị lớn nhất của con người được thể hiện qua những gì mà họ đã cống hiến cho xã hội, nhân dân và đất nước.
Sức mạnh nội sinh của một dân tộc không phải là những điều “mặc định” và “bất biến” nên để phát huy nội lực thì phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam và đã được Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới. Những chỉ dẫn quý báu về tinh thần tự lực, tự cường của Hồ Chí Minh ngày càng tỏ rõ giá trị và tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trong hành trình tiến tới “sánh vai với các cường quốc năm châu” như khát vọng lớn lao mà Người đã ký thác lại cho toàn Đảng, toàn dân ta./.
____
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.2, tr. 138.
(2) (6) (10) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 445, 244, 384 -385.
(3) (4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.162, 553.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.147.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2000, t.7, tr.244.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr.509-510.
(8) (11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.458, 365.
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.27 - 28.
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10. tr. 310.
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.8.
(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr. 120.
(15) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr. 301.
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, H, 2002, t.1, tr. 55,
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.103.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.244.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.281.
(20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 203.